CHỌN KHUNG TUỔI “VÀNG” CHO TRẺ HỌC TIẾNG ANH
Thứ bảy, 09:38 Ngày 17/08/2019
Theo các chuyện gia, lứa tuổi từ 20 tháng đến 8 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về ngôn ngữ và độ tuổi 4 - 5 là thời điểm “vàng” để học tiếng Anh.
Tiếp xúc tiếng Anh càng sớm càng tốt
Theo bà Elaine Schneider – tiến sỹ tâm lý, chuyên gia ngôn ngữ của Mỹ, trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm càng tốt. Bà Elaine Schneider ví não bộ của trẻ nhỏ như miếng bọt biển hút các thông tin xung quanh, nghĩa là nếu được tiếp xúc với ngoại ngữ sớm thì khả năng hút của "miếng bọt biển" càng mạnh hơn.
Chung quan điểm, PGS.TS Trần Thị Thu Mai - Phó trưởng Khoa Tâm lý giáo dục (Đại học Sư phạm TP.HCM) cho biết: "Từ 20 tháng cho đến 8 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về ngôn ngữ nên được các chuyên gia gọi là thời kỳ “phát cảm về ngôn ngữ”. Nếu trẻ được tạo điều kiện học ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng mẹ đẻ thì sẽ phát huy tốt khả năng ngôn ngữ và tư duy logic khi trưởng thành. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng độ tuổi 4, 5 là thời điểm lý tưởng để học Anh ngữ".
Tuy nhiên, phụ huynh cần chọn lựa những trung tâm có chương trình giảng dạy sinh động, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của trẻ. Trên thực tế, trẻ em trong lứa tuổi mẫu giáo (từ 3 - 5 tuổi) vẫn còn ham chơi, các bé cũng rất dễ xúc động, ngỡ ngàng trước những vẻ đẹp tưởng như đơn giản trong thiên nhiên, trong cuộc sống và trong nghệ thuật; đến tuổi tiểu học (từ 6 - 11 tuổi), trẻ bắt đầu phát triển việc học tập trí tuệ có sự hướng dẫn của thầy cô giáo.
Giáo cụ trực quan rất cần thiết
Cô Lauren Beckerle - giáo viên trưởng phụ trách chương trình Anh ngữ thiếu nhi tại Hệ thống Anh văn hội Việt Mỹ (VUS) chia sẻ bí quyết để phụ huynh chọn môi trường học tiếng Anh đạt chuẩn cho con là cần quan sát xem khi lên lớp giáo viên có biết "kéo" trẻ vào quá trình học bằng cách kết hợp khéo léo, hài hòa giữa học và chơi để tạo bầu không khí học tập đa dạng tựa như một sân chơi thu hút trẻ hay không. Muốn trẻ nắm vững từ vựng nhanh và lâu thì giáo viên nên để trẻ hiểu bằng khái niệm thông qua các giáo cụ trực quan.
Ví dụ, giáo viên nên cầm quả táo hay bức tranh có hình quả táo và nói với trẻ "apple". Việc học bằng khái niệm cụ thể trong một môi trường tương tác tiếng Anh sẽ mang đến hiệu quả và khơi gợi niềm yêu thích việc học Anh ngữ trong trẻ. Ngoài ra, một số yếu tố không kém phần quan trọng là cơ sở vật chất, phòng học và các phần mềm chuyên dụng trong việc giảng dạy tiếng Anh cho trẻ.
Theo báo Lao Động.